Hội nghị phát triển bền vững toàn cầu 2024: Những tiếp cận mới củng cố chiến lược UEH Đa ngành và Bền vững
12 Tháng Bảy, 2024
Tháng 6 vừa qua, đoàn đại biểu UEH đã tham dự Hội nghị Phát triển bền vững toàn cầu năm 2024 do Times Higher Education tổ chức tại Thái Lan, tiếp cận những góc nhìn mới cho chiến lược UEH Đa ngành và Bền vững.
Hơn 100 phiên thảo luận chuyên sâu, đưa ra những tiếp cận mới mô hình đại học bền vững
Chương trình nghị sự Phát triển bền vững toàn cầu năm 2024 được tổ chức tại trung tâm hội nghị quốc gia Thái Lan, thủ đô Băng Cốc, quy tụ 117 diễn giả, chuyên gia hàng đầu cùng 1200 đại biểu đến từ các đại học, doanh nghiệp và tổ chức khác nhau trên thế giới.
Với hơn 100 phiên chia sẻ, 6 yêu cầu chuyển đổi xã hội cần thiết được chú trọng lan tỏa đến các cá nhân, tổ chức, để cùng nhau đạt được 17 SDGs mà Liên Hợp Quốc đã đề ra. Cụ thể gồm: (1) cách mạng chuyển đổi số để phát triển bền vững; (2) giáo dục, giới tính và bất bình đẳng; (3) năng lượng, khử cacbon và công nghiệp bền vững; (4) sức khỏe, phúc lợi và nhân khẩu học; (5) các thành phố và cộng đồng bền vững; và (6) thực phẩm, đất, nước và đại dương bền vững.
Đặc biệt, những tiếp cận mới về vai trò và hành động của các cơ sở giáo dục đại học trong sự chuyển đổi nói trên xoay quanh 5 khía cạnh: Đào tạo, Nghiên cứu, Quản trị, Vận hành, Cộng đồng.
Cụ thể, đối với hoạt động Đào tạo, các phiên thảo luận đã đề cập đến: (1) áp dụng phương pháp giáo dục tích cực vào chương trình giảng dạy, từ đó trao quyền cho mỗi cá nhân cho sự chuyển đổi bền vững; (2) chú trọng đào tạo nhóm kỹ năng xanh, bền vững, khám phá lợi ích của việc tích hợp các kỹ năng này vào quá trình học tập suốt đời của mỗi cá nhân, từ đó, xây dựng lực lượng lao động có hiểu biết về môi trường; (3) đề cập đến vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy các khuôn khổ, tư duy và hành động vì hạnh phúc, bình đẳng giới, công bằng xã hội; và (4) chuyển đổi hệ thống giáo dục để phát triển lực lượng lao động xanh, giúp người học phát triển mạnh mẽ như những nhà lãnh đạo kiên cường trước những thách thức toàn cầu.
Đối với lĩnh vực Nghiên cứu, các phiên chia sẻ nhấn mạnh: (1) cách hệ thống hóa các phương pháp, sáng kiến toàn diện để tiếp cận tính bền vững một cách tổng thể thay vì riêng lẻ; (2) nêu bật cách các bên liên quan khác nhau sử dụng công cụ đổi mới để thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận giáo dục, giải quyết các rào cản về giới, hướng đến tiếp cận giáo dục công bằng; (3) và vai trò của nghiên cứu và đổi mới trong việc thu hút xã hội tham gia vào các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với Quản trị, các phiên thảo luận đã làm rõ: (1) sự cần thiết của các chính sách, chương trình đào tạo dành cho thế hệ lãnh đạo và người lao động, đảm bảo được trang bị đầy đủ kiến thức để thúc đẩy sự thay đổi tích cực và giải quyết nhiều thách thức cấp bách của thời đại; (2) nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chiến lược giữa nhà trường, nhà nghiên cứu học thuật và các nhà cung cấp công nghệ đóng góp cho sự phát triển bền vững và đảm bảo được sử dụng an toàn và có đạo đức.
Đối với Vận hành, các phiên thảo luận đã chia sẻ về: (1) một số tiến bộ đột phá gần đây trong thiết kế hệ thống và vật liệu do AI điều khiển có thể thúc đẩy đáng kể hiệu suất chuyển đổi năng lượng trong nỗ lực khép kín vòng lặp carbon; (2) thúc đẩy đô thị bền vững bằng cách trao quyền cho cộng đồng và thúc đẩy hành vi của người dân hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Đối với Cộng đồng, các phiên thảo luận nhấn mạnh việc hợp tác giữa các bên liên quan trong việc hoạch định và xây dựng một chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy lối sống lành mạnh, chất lượng, giải quyết vấn đề bền vững và bất bình đẳng.
Chiến lược UEH Đa ngành và Bền vững: liên tục điều chỉnh theo nguyên tắc PDCA để gắn liền với xu thế mới nhất
Áp dụng nguyên tắc PDCA (Plan – Do – Check – Act) trong quá trình hoạch định, tổ chức, đánh giá, triển khai, các kế hoạch, sáng kiến thuộc chiến lược Đại học UEH Đa ngành và Bền vững đã liên tục được điều chỉnh, tiên phong đi theo những tiếp cận mới nhất trên thế giới. Đến nay, 17 SDGs đã và đang dần tích hợp vào 5 khía cạnh của nhà trường gồm Đào tạo, Nghiên cứu, Kết nối cộng đồng, Vận hành và Quản trị và bước đầu nhìn thấy được kết quả.
Nổi bật, nền tảng tri thức “Glocal” (Global & Local) được chú trọng trong hoạt động đào tạo các bậc hệ của UEH, thông qua 3 nhóm hoạt động trọng điểm: (1) tích hợp kiến thức đa ngành và bền vững vào thiết kế lộ trình, xây dựng nội dung và triển khai chương trình đào tạo, (2) xây dựng môi trường học tập toàn cầu với đa dạng sản phẩm đào tạo, đa dạng phương pháp học tập gắn với quá trình học tập suốt đời của mỗi cá nhân; và (3) nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp cho sự phát triển của vùng, địa phương thông qua các campus địa phương như UEH Vĩnh Long, UEH TP.HCM, và sắp tới là UEH Nha Trang.
Trong những năm gần đây, tỉ lệ các bài nghiên cứu chất lượng và các công bố quốc tế đóng góp giải quyết 17 SDGs ngày càng tăng. Năm 2023, con số này là 311 bài, chiếm 60% tổng số bài báo theo cơ sở dữ liệu Scopus. Đây là thành quả của việc quyết tâm thúc đẩy các công bố khoa học có tích hợp các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, từ đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho thế hệ nghiên cứu kế tiếp.
“Tạo lập một cộng đồng cùng hành động vì sự phát triển bền vững” là định hướng các chương trình gắn kết giữa UEH và các đối tác liên quan trong 3 năm qua. Dự án chuyển đổi số học đường UEH Global kết nối UEH và cộng đồng giáo viên; chương trình Kết nối cộng đồng – Lan tỏa tri thức – Hành động bền vững với 4 hạng mục hợp tác toàn diện giữa UEH và cộng đồng doanh nghiệp; hay chương trình Quỹ Giving to UEH “Vì một tương lai phát triển bền vững” tạo cơ hội cho cộng đồng cùng đóng góp và tài trợ cho giáo dục. Đây đều là những chương trình hiện thực hóa định hướng tiên phong nói trên.
Với quan điểm “các khuôn viên và môi trường tổ chức của UEH phải là môi trường thực hành bền vững trước”, mảng Vận hành và Quản trị của nhà trường đặt sự phát triển bền vững ưu tiên hàng đầu. Điển hình là các chính sách quản lý hiệu quả bằng OKR; chương trình tôn vinh UEH Award “vì một cộng đồng UEHer dẫn đầu sự thay đổi”; các chính sách tạo đông lực liên tục; hay mô hình cơ cấu tổ chức bền vững. Đặc biệt, sự ra đời và vận hành dự án UEH Green Campus một cách khoa học đã giúp UEH giảm được 4 tấn rác thải chôn lấp bằng cách tích hợp mô hình Living Lab, mô hình tuần hoàn rác thải tái chế với cơ chế quản lý & kiểm soát từ gốc đến ngọn. Từ đó, lan tỏa mô hình này đến các đơn vị, tổ chức, địa phương trong và ngoài nước như: Ngân hàng ANZ, Quận 7 – TP.HCM.
Có thể thấy, các tiếp cận mới về phát triển bền vững từ Hội nghị phát triển bền vững toàn cầu năm 2024 đã và đang được áp dụng và tiếp tục gợi mở những tiếp cận đổi mới, toàn diện đối với Chiến lược UEH Đa ngành và Bền vững. Không ngừng học hỏi và triển khai những tiếp cận này sẽ góp phần thúc đẩy một UEH tiên phong, không chỉ trong lĩnh vực học thuật mà còn trong việc dẫn dắt bền vững và thực thi trách nhiệm xã hội, trước hết tại Việt Nam./.
Tin, ảnh: Ban đề án đại học bền vững, Phòng Marketing – Truyền thông
Nguồn thông tin: https://www.timeshighered-events.com/gsd-congress-2024/agenda
Hình ảnh thuộc Album hình ảnh của hội nghị: https://www.flickr.com/photos/timeshighered/albums/72177720317853087/