[PODCAST] UEH Zero Waste Campus: Phân Loại Rác Tại Nguồn – Bước Đầu Tiên Trong Thực Hành Đại Học Không Rác Thải

12 Tháng Mười Hai, 2021

Ngày nay, phân loại rác tại nguồn là một việc vô cùng quan trọng và cấp bách cần được thực hiện tại các hộ gia đình, doanh nghiệp, trường học…nhằm giảm thiểu lượng rác ra ngoài đô thị, xử lý rác có quy trình hơn, trách nhiệm hơn tránh gây ô nhiễm môi trường. Một trong những mục tiêu chính của dự án Living Lab “UEH – Zero Waste Campus” là biết cách phân đúng loại rác tại nguồn và ứng dụng mô hình 3R (Reduce – Reuse – Recycle) trong quản lý rác bền vững, mang lại môi trường học tập và đời sống xanh sạch đẹp hơn.

Vì sao chúng ta phải phân loại rác tại nguồn?

Phân loại rác tại nguồn có tầm quan trọng rất lớn trong công tác quản lý rác, góp phần giảm thiểu các nguy cơ phát tán các tác nhân lây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại rác tại nguồn là phân loại tại điểm phát sinh, các vật liệu khác nhau được tìm thấy trong rác thải rắn nhằm thúc đẩy tái chế, tái sử dụng tài nguyên và giảm khối lượng rác còn lại để thu gom và xử lý. Phân loại rác tại nguồn là nhiệm vụ thiết thực mà mỗi công dân chúng ta nên thực hiện để chung tay bảo vệ môi trường. Sau đây là những lý do mà chúng ta nhất định phải phân loại rác tại nguồn ngay bây giờ:

Đầu tiên, phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên, mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh, hộ gia đình… từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến.

Thứ hai, phân loại rác tại nguồn cũng góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường.

Thứ ba, phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu tổng lượng rác trong cộng đồng thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý.

Cuối cùng, phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần giải quyết vấn đề nan giải hiện nay mà các quốc gia đang phải đối mặt, đó chính là ô nhiễm môi trường.

Chúng ta nên phân loại rác như thế nào?

Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện phân loại rác thành 3 loại chính:

Rác hữu cơ: là các loại rác dễ phân hủy trong điều kiện tự nhiên, ví dụ: Thức ăn thừa; rau củ quả đã bị hư, thối; các loại bã chè, bã cafe, bã mía…giấy, nhà máy sợi, sợi từ nhà máy giấy; phế thải từ những làng nghề được chế biến tinh bột; tất cả các phế thải từ nông nghiệp, phế thải sinh hoạt…

Đối với rác hữu cơ, chúng ta có thể ủ phân sinh học để tạo phân bón chăm sóc cho cây trồng ngay tại đơn vị, tại gia đình hoặc vận chuyển đến nhà máy xử lý chế biến tập trung thành phân compost. Với điều kiện cần phải có các thiết bị lưu chứa kích cỡ phù hợp với thời gian lưu trữ và phải đảm bảo không làm rơi vãi rác, rò rỉ nước nhằm đảm bảo tính mỹ quan đô thị.

Rác tái chế: là loại rác thải đã qua sử dụng nhưng vẫn còn khả năng tái chế như: Các loại chai, lọ thủy tinh, thùng phuy, thùng chứa được làm từ nhựa; các loại nhựa, bao bì nhựa mềm; hộp giấy, giấy viết, giấy in, bìa carton; Báo, tạp chí, sách vở, bảng biến; Nồi, chảo, xoong làm bằng kim loại đã hỏng; Tất cả phế liệu sắt thép, nhôm, inox, bình phun… Chúng sẽ được phân loại kỹ lưỡng và được bán lại cho cơ sở tái chế hoặc đưa đến các nhà máy tái chế để tạo thành nguyên liệu hoặc sản phẩm mới bán ra thị trường, đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.

Rác còn lại: là những loại rác không thể sử dụng cũng như không thể tái chế lại được. Việc duy nhất chúng ta có thể làm với chúng chính là mang ra các khu chôn lấp rác thải để chôn lấp.

Ngoài ra, bên cạnh các loại rác như phía trên thì rác nguy hại sẽ được thu gom, xử lý, và vận chuyển riêng. Rác nguy hại là tất cả những rác thải có chứa các hợp chất có các đặc tính nguy hiểm như: dễ cháy nổ, độc hại, gây ngộ độc, dễ lây nhiễm, phóng xạ, hôi thối, ăn mòn…đe dọa đáng kể hoặc tiềm ẩn đến sức khỏe con người và môi trường. Rác nguy hại có khắp ở mọi nơi, có trong mọi lĩnh vực như y tế, công nghiệp sản xuất, công nghiệp thương mại hay cả trong nông nghiệp cũng sản xuất ra các sản phẩm phụ nguy hại. Một số loại rác nguy hại như thuốc trừ sâu, thuốc tẩy rửa vim; pin, bình ắc quy, bình ga mini; chai lọ đựng xăng dầu; thiết bị điện (cầu dao, dây điện), linh kiện điện tử, bóng đèn, mực in; kim tiêm, dụng cụ y tế, nhiệt kế thủy ngân… Các loại rác nguy hại này được xử lý theo yêu cầu pháp luật nhằm bảo vệ môi trường và ngăn chặn mọi người tiếp xúc. Ngày nay, cùng với tiến bộ khoa học kĩ thuật, rác nguy hại có thể được xử lý bằng nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp sinh học, phương pháp hóa học và phương pháp hóa lý… Rác nguy hại này cần phải được thu gom riêng biệt để ở nơi an toàn trong tất cả các thùng chứa được đậy kín và dán nhãn cảnh báo độc hại.

Phân loại rác tại UEH

Dựa theo nghị định về quản lý rác và phế liệu do chính phủ ban hành, UEH cũng thiết lập bộ “Quy định về Về thực hành Đại học không rác thải tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”. Quy định hướng đến việc phân loại rác thành ba loại chính là: rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại; thực hành mô hình 3R (Reduce, Reuse, Recycle); làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thực hành đại học không rác thải.

Trong khuôn khổ dự án Living Lab UEHZW, tiếp cận phân loại rác được UEH thực hiện chi tiết, với việc bóc tách chi tiết từng trường hợp cụ thể để cộng đồng UEHer có thể thực hiện triệt để việc phân loại rác tại nguồn. Rất nhiều bối cảnh cụ thể được đưa ra để giúp việc phân loại rác trở nên gần gũi, khả thi hơn. Các bối cảnh này được dựa trên kết quả kiểm toán rác tại cơ sở Nguyễn Văn Linh tháng 4/2021 (xem thêm tại đây)

Hộp xốp đựng thức ăn kèm muỗng nhựa

Ly trà sữa trân châu uống dở kèm ống hút

Bánh mì (gồm túi xốp & giấy gói bánh mì)

Hộp carton đựng mỹ phẩm/quà lưu niệm đặt trên mạng (Tiki, shopee,…)

Khẩu trang

Giấy sổ xé ra

Chai nước ngọt uống dở

Hộp sữa giấy uống xong

Bên cạnh những văn bản, quy định, nhà trường tiến hành phân bố các thùng rác với số lượng phù hợp xung quanh khuôn viên trường, mỗi thùng có ký hiệu riêng ở phía trước nhằm phân biệt và thúc đẩy sinh viên tích cực phân loại rác tại nguồn đúng cách; vị trí các thùng rác cũng được đưa lên hệ thống Wayfinding để người học, giảng viên, viên chức dễ dàng định vị vị trí. Nhà trường cũng đang tích cực kết nối các bên liên quan, đặc biệt là đơn vị thu mua các loại rác tái chế đặc thù, đơn vị tái chế rác thành sản phẩm hữu ích, và các đơn vị xử lý rác thải hữu cơ để có thể xây dựng vòng quản lý rác thải khép kín. Nhà trường mong đợi người học, giảng viên, viên chức và các đối tác tại UEH sẽ cùng nhau phân loại rác tại nguồn, thực hành Đại học không rác thải.

Tổng hợp và biên tập: Phòng Marketing – Truyền Thông

Tư vấn chuyên môn: Viện Đô thị thông minh & quản lý, Viện Kinh tế môi trường Đông Nam Á

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM