[PODCAST] UEH ZERO WASTE CAMPUS: Những con số biết nói

28 Tháng Mười Một, 2021

Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tuy nhiên, song song với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường lại có những diễn biến phức tạp. Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề không chỉ của riêng một Quốc gia, vùng lãnh thổ nào, mà còn ở khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi tới miền biển, cả các nguồn nước, đất và không khí đang ngày càng bị ô nhiễm. Số lượng rác thải ra hằng ngày là vô cùng lớn và đang ở mức báo động.

Thế giới

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, 2,01 tỷ tấn chất thải rắn đô thị được tạo ra trên khắp thế giới mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích Trái đất. Mỗi ngày có 35 tấn rác thải ra Đại dương và nếu tình trạng này kéo dài đến năm 2050 chất thải toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt 3,40 tỷ tấn và đại dương sẽ nhiều có rác hơn cả cá. Tệ hơn nữa, ít nhất 33% lượng rác thải đó không được quản lý theo cách an toàn với môi trường.

Bạn có biết nhựa chiếm tới 10% tổng lượng rác thải trên thế giới. Cứ mỗi phút là chúng ta tiêu thụ khoảng 1 triệu chai nhựa, mỗi năm tiêu thụ 5.000.000.000.000 túi nhựa, nghĩa là mỗi giây tiêu thụ hơn 160.000 túi. Và chỉ trong một giờ, nếu được xếp cạnh nhau lượng túi nhựa có thể cuốn đến 7 vòng quanh Trái đất.

Trong điều kiện tự nhiên, rác thải nhựa không thể phân hủy chỉ có thể phân rã nhỏ hơn. Rác thải nhựa cần nhiều thời gian để phân hủy, ví dụ như đầu lọc thuốc lá thời gian sử dụng chỉ cần vài phút nhưng cần tới 2 năm để phân hủy hay kẹo cao su, sử dụng chẳng được bao lâu nhưng tới 5 năm để tiêu hủy. Túi nilon, ống hút, chai nhựa… cần tới vài trăm năm, thậm chí cả 1000 năm cũng chưa kết thúc quá trình phân hủy.

Việt Nam

Hiện nay, khoảng 85% lượng chất thải phát sinh ở Việt Nam đang được chôn lấp không qua xử lý tại các bãi chôn lấp, 80% không hợp vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường. Khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nhựa, Hoa Kỳ đã chuyển hướng xuất khẩu rác thải nhựa của mình sang nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia có lượng phế liệu nhựa nhập khẩu từ Hoa Kỳ đã tăng từ 48,9 trong năm 2017 lên 71,22 vào năm 2018 .

Khoảng 50000 tấn rác được tạo ra mỗi ngày tại Việt Nam, chiếm khoảng 6% tổng lượng rác thải trên thế giới, với 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường trong đó có 30.000.000.000 túi nilon. Con số 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn rác nhựa được thải ra biển đã biến Việt Nam trở thành một trong năm Quốc gia thải rác ra đại dương nhiều nhất Thế giới.

Thành phố Hồ Chí Minh

Khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, cao điểm có thể đến 11.000 – 12.000 tấn/ngày, tăng khoảng 5%/năm, dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày.

Đi kèm với quá trình phát triển, khối lượng rác thải ở TP.HCM liên tục tăng nhanh qua các năm. Ngoài con số về rác thải sinh hoạt, mỗi ngày TP.HCM còn phát sinh hơn 4.000 tấn rác thải rắn công nghiệp và 400 tấn rác thải nguy hại, trong đó có 45 tấn rác thải y tế.

Thực tế cho thấy, rác thải sinh hoạt ở TP.HCM chủ yếu có nguồn gốc hữu cơ, rác có độ ẩm cao… Hầu hết loại rác thải này không được phân loại tại nguồn, gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, bên cạnh đó các loại rác được chôn lấp sẽ tăng nguy cơ gây ô nhiễm, trong khi chúng có khả năng tái chế, tái sử dụng. Mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp đang áp dụng phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, chi phí cao…

UEH Nguyễn Văn Linh

Trong cuộc kiểm toán rác của UEH kết hợp VZWA vào tháng 04/2021 tại UEH Nguyễn Văn Linh đã đưa ra các số liệu. Khoảng 100kg rác thải ra hằng ngày tại UEH Nguyễn Văn Linh, trong đó Rác hữu cơ: 48%, Rác có khả năng tái chế: 9%, Rác còn lại: 43%. Đặc biệt nhựa 8,17% (nhựa có khả năng tái chế: 5,87%, chưa có khả năng tái chế: 2,3%). Và trung bình mỗi ngày tại khuôn viên của UEH có khoảng 100 túi nilon nhựa được thải ra.

Có thể bạn chưa biết, có tới 9.000.000 người tử vong do ô nhiễm chiếm ⅙ ca tử vong trên toàn thế giới, thêm vào đó khoảng 325.000.000 người bị ảnh hưởng bởi những chuyển biến tiêu cực của môi trường. Và nếu tình trạng này vẫn còn tiếp diễn thì theo dự đoán mức nhiệt độ trung bình của trái đất sẽ tăng 4% trước năm 2100. Đến đây chắc hẳn ai cũng nhận ra 100% rác thải trên thế giới này là do con người tạo ra rồi đúng không? Vậy thì tại sao chúng ta không bắt tay vào để giải quyết vấn đề này ngay và luôn tại khuôn viên UEH. Hãy cùng đồng hành với UEH Zero Waste Campus ngày hôm nay.

Tìm hiểu thêm kiến thức và thông tin dự án UEH Zero Waste Campus tại Cẩm nang “Tôi công dân UEHer xanh” Website dự án:  https://zerowaste-campus.ueh.edu.vn/.

Tổng hợp và biên tập: Phòng Marketing – Truyền Thông

Tư vấn chuyên môn: Viện Đô thị thông minh & quản lý

Viện Kinh tế môi trường Đông Nam Á

Giọng đọc: ThS. Phạm Nguyễn Hoài – Viện ISCM