[Podcast] Ứng Dụng Big Data & AI Trong Xây Dựng Và Khai Thác Cơ Sở Dữ Liệu Quốc Gia Về Giá Bất Động Sản Tại Việt Nam – Phần 2: Giải pháp

30 Tháng Năm, 2022

Ứng dụng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về thông tin BĐS cùng với việc khai thác hiệu quả bởi các ứng dụng công nghệ là vô cùng cần thiết cho các hoạch định về chính sách cũng như trong nghiên cứu và kinh doanh. Trong phần 2 của bài viết, nhóm tác giả trình bày quy trình để xây dựng hệ thống này tại Việt Nam và hướng khai thác nguồn dữ liệu cho nhiều mục đích khác nhau.

Cơ quan thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS tại Việt Nam

Dữ liệu giá BĐS gồm hai thành tố chính, “giá” và “BĐS”. Trong đó, thành tố “giá” được hiểu là thành tố “nghiệp vụ” trong khi thành tố “BĐS” là thành tố “chủ thể”. Tại Việt Nam, nghiệp vụ “giá” do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý thông qua Cục quản lý giá; chủ thể “đất” do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp quản lý; chủ thể “công trình xây dựng gắn liền với đất” (hay “nhà ở”) do Bộ Xây dựng trực tiếp quản lý. Ngoài ra, việc xây dựng hạ tầng cho cơ sở dữ liệu cần có sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, và Bộ Thông tin và Truyền thông là các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tham gia trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS. 

Cơ quan chịu trách nhiệm chính

Hiện nay, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng, quản lý, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS (theo Nghị định số 117/2015/NĐ-CP). Mặc dù hệ thống thông tin này bao gồm cả giá BĐS nhưng nguồn hình thành nên cơ sở dữ liệu giá vẫn còn hạn chế. Trong hệ thống này, một trong những nguồn thông tin quan trọng về giá BĐS đến từ các chủ đầu tư (nhà phát triển BĐS) đối với các BĐS như căn hộ chung cư, căn hộ thương mại. Đây cũng được xem là một nguồn dữ liệu để tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS được chúng tôi đề cập dưới đây.

Tiếp đến, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động thực hiện cơ sở dữ liệu đất đai (theo Thông tư số 75/2015/TT-BTNMT). Tương tự như hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS, nguồn hình thành nên cơ sở dữ liệu giá vẫn là vấn đề được quan tâm. Trong cơ sở này, một trong những nguồn thông tin quan trọng về giá BĐS sẽ đến từ các tổ chức có chức năng định giá đất khi thực hiện theo Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất và Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT sửa đổi một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT. Đây cũng được xem là một nguồn dữ liệu thứ hai để tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS được chúng tôi đề cập dưới đây (tuy nhiên, các thông tin được cung cấp từ cơ sở này đa phần là phục vụ cho thực hiện nghĩa vụ tài chính của Nhà nước đối với đất đai).

Trong năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP), trong đó, điều 12b được bổ sung với nội dung là giao Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá (nói chung).

Như vậy, mặc dù mỗi Bộ đều đang phụ trách trực tiếp một cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin nhưng các cơ sở này tập trung vào các đặc điểm kỹ thuật của chủ thể hơn là dữ liệu về giá. Riêng Bộ Tài chính là đơn vị được giao để xây dựng cơ sở dữ liệu giá nói chung.

Do đó, nhóm tác giả đề xuất Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS; Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường đóng vai trò kết nối cơ sở dữ liệu về đặc điểm kỹ thuật của chủ thể vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trong việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. 

Cơ quan tổ chức thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS

Nguồn: Đề xuất của bộ môn Thẩm định giá UEH.

Cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng về lưu trữ dữ liệu giá

Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò và thế mạnh chuyên môn sẵn có nên được giao nhiệm vụ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng về lưu trữ dữ liệu giá.

Một số BĐS đầu vào của cơ sở dữ liệu có hàm chứa các thông tin khác ngoài giá và đặc điểm của BĐS như hành vi, thị hiếu, thu nhập, giới tính của chủ sở hữu tài sản. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần: (i) xây dựng hệ thống mã hoá BĐS; (ii) phân quyền truy cập khác nhau cho các đối tượng khác nhau đối với cùng một BĐS. Ví dụ về phân quyền truy cập và mức độ truy cập như: (i) chỉ truy cập được giá bình quân của tuyến đường, (ii) truy cập được giá của từng tài sản nhưng không thể hiện địa chỉ và các thuộc tính của tài sản; (iii) truy cập được giá và thuộc tính của tài sản nhưng không thể hiện địa chỉ tài sản; (iv) truy cập được giá, thuộc tính và địa chỉ tài sản nhưng không hiển thị thông tin liên quan đến chủ tài sản; và (v) truy cập được tất cả các thông tin. Điều này sẽ đảm bảo được tính an toàn và bảo mật của dữ liệu, để dữ liệu không bị sử dụng sai mục đích.

Ứng dụng AI để đảm bảo chất lượng của nguồn dữ liệu

Các cơ quan quản lý có thể ứng dụng AI để phát hiện các dữ liệu đầu vào có giá đột biến (cao/thấp) quá mức so với mặt bằng chung của cùng một đoạn đường trên cùng một tuyến đường. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng chú ý/đánh dấu/ghi nhận các tài sản có giá đặc thù hoặc biết được các đặc điểm đặc thù tạo nên sự khác biệt giá của tài sản đó so với mặt bằng chung của thị trường.

Đề xuất quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS tại Việt Nam

Cơ sở dữ liệu đất đai

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai bao gồm dữ liệu không gian đất đai, dữ liệu thuộc tính đất đai và các dữ liệu khác có liên quan đến thửa đất.

Dữ liệu không gian đất đai

Nguồn: Tổng hợp của bộ môn Thẩm định giá UEH từ các văn bản pháp lý hiện hành.

Dữ liệu thuộc tính đất đai

Nguồn: Tổng hợp của bộ môn Thẩm định giá UEH từ các văn bản pháp lý hiện hành.

Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS

Trên nền tảng cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ Xây dựng sẽ tiến hành cập nhật cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS, bao gồm các hệ thống văn bản pháp luật; các chương trình kế hoạch phát triển nhà ở và BĐS; các dữ liệu chi tiết khác có liên quan. 

Dữ liệu nhà ở và thị trường BĐS

Nguồn: Tổng hợp của bộ môn Thẩm định giá từ các văn bản pháp lý hiện hành.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS

Như vậy, toàn bộ các dữ liệu thuộc tính của BĐS sẽ trở nên sẵn có, và có sự phối hợp giữa các Bộ/Ban/Ngành có liên quan (chi tiết xem Hình 5). Trên nền tảng này, Bộ Tài chính sẽ tiến hành cập nhật dữ liệu giá qua hai kênh:

  • Một là, qua kênh cập nhật dữ liệu từ Cục quản lý giá qua hai nhóm đơn vị (i) Trung tâm dữ liệu giá quốc gia và (ii) các tổ chức có chức năng thẩm định giá. Để làm được điều này, cả trung tâm và tổ chức thẩm định giá đều phải được cấp quyền truy cập vào hệ thống để cập nhật dữ liệu.
  • Hai là, qua kênh cập nhật dữ liệu từ Tổng cục Thuế về kê khai thuế thu nhập cá nhân từ kinh doanh BĐS.

Trong thời gian đầu, hệ thống cần tách bạch dữ liệu giá được cập nhật từ Cục quản lý giá và Tổng cục Thuế do sẽ có sự chênh lệch vì sự kê khai thấp giá trị để giảm số thuế phải nộp. Về lâu dài, dữ liệu được cập nhật từ Cục quản lý giá là kênh để Tổng cục Thuế đối chiếu và điều chỉnh hành vi kê khai thuế của cá nhân kinh doanh BĐS. Khi đó, số liệu cập nhật từ hai kênh này mới tiệm cận và phản ánh giá thị trường.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS

Nguồn: Đề xuất của bộ môn Thẩm định giá UEH

Như vậy, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS có đến bốn hệ thống dữ liệu hoạt động độc lập: (i) cơ sở dữ liệu đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường; (ii) cơ sở dữ liệu nhà ở và thị trường BĐS của Bộ Xây dựng; (iii) Cơ sở dữ liệu giá thị trường của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính; và (iv) cơ sở dữ liệu giá kê khai của Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính. Do đó, để bốn hệ thống này có thể kết nối với nhau thì ngay từ đầu, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các đơn vị trên để xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, trong đó chú trọng đến việc thiết lập mã định danh cho từng thửa đất – đơn vị định danh tối thiểu cho việc cập nhật dữ liệu giá.

Song song, trong quá trình cập nhật, AI cần được ứng dụng để lọc dữ liệu, tránh sự trùng lắp và thông tin nhiễu. 

Quy trình xây dựng CSDL quốc gia về giá BĐS

Nguồn: Đề xuất của bộ môn Thẩm định giá UEH

Khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS tại Việt Nam

Trên cơ sở dữ liệu được xây dựng, cơ quan quản lý Nhà nước có thể khai thác theo các hướng như:

  • Xây dựng chỉ số giá BĐS;
  • Xây dựng chính sách nhà ở;
  • Quản lý thuế thu nhập cá nhân trong kinh doanh BĐS;
  • Tra cứu quy hoạch BĐS;
  • Môi giới ảo BĐS cho khách hàng trực tuyến;
  • Kênh tham chiếu cho ngân hàng trong việc cấp tín dụng;
  • Thương mại hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về giá BĐS.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Ứng dụng Big Data và AI trong xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về giá bất động sản tại Việt Nam tại đây. Nhóm tác giả: TS. Nguyễn Quỳnh Hoa; ThS.Huỳnh Kiều Tiên; TS. Hay Sinh; ThS. Trần Bích Vân; ThS. Nguyễn Kim Đức; ThS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Khoa Kinh tế, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH. 

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #43 “Trái phiếu bất động sản – Nghiên cứu trường hợp Trung Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam – Phần 1: Trường hợp từ Trung Quốc”

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH.

Giọng đọc: Ngọc Quí

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021