[Podcast] Quản Lý Thuế Thương Mại Điện Tử: Bài Học Kinh Nghiệm Quốc Tế Và Giải Pháp Cho Việt Nam Trong Bối Cảnh Chuyển Đổi Số

20 Tháng Mười, 2022

Xu hướng chuyển đổi số đang dần làm thay đổi văn hóa của người tiêu dùng và cách thức kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đã dẫn đến những thách thức trong mô hình quản lý thuế ở Việt Nam hiện nay. Từ những phân tích thực trạng và đúc kết kinh nghiệm của các quốc gia phát triển về quản lý thuế đối với thương mại điện tử, tác giả đã đề xuất các khuyến nghị phù hợp nhằm kiểm soát, quản lý và khai thác nguồn thu từ thuế hiệu quả hơn trong bối cảnh nền kinh tế số. Đây là bài viết vinh dự được nhận giải A từ cuộc thi Viết về Thuế với thương mại điện tử do Tạp chí thuế – Tổng Cục thuế Việt Nam tổ chức.

Nguồn ảnh ciat.org

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu và đã trở thành xu hướng phát triển hàng đầu trên thế giới kể từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được khởi xướng. Sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), một trong những hình thức kinh doanh dựa trên nền tảng số phổ biến nhất đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội tại nhiều quốc gia. Xu hướng này đang dần làm thay đổi văn hóa tiêu dùng của người tiêu dùng và cách thức kinh doanh của doanh nghiệp. Đứng trước sự phát triển nhanh chóng của TMĐT, các doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược, quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh phù hợp để tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, trước bối cảnh xu hướng số hóa đang ngày càng phát triển, mô hình quản lý thuế truyền thống ở Việt Nam dần bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Mặc dù đã có những bước cải cách đầu tiên song nhìn chung công tác quản lý thuế đối với TMĐT hiện nay ở nước ta vẫn chưa hiệu quả. Nếu vượt qua thách thức này, đây sẽ là cơ hội lớn để khai thác nguồn thu từ xu hướng phát triển tất yếu và mạnh mẽ của hình thức kinh doanh này. 

Thách thức trong quản lý thuế đối với TMĐT từ góc nhìn lý thuyết

Hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác. Theo đó, hoạt động chủ yếu dựa trên nền tảng số là điểm đặc trưng cơ bản của TMĐT so với các hình thức kinh doanh truyền thống khác. 

TMĐT đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý thuế trên nhiều khía cạnh. Điều này làm gia tăng khả năng thất thu thuế hoặc rủi ro bị đánh thuế trùng, gây ra sự không công bằng giữa giao dịch truyền thống và giao dịch trực tuyến. Lược khảo và tổng hợp từ các nghiên cứu trước, tác giả nhận diện cách thách thức về quản lý thuế đối với TMĐT như sau:

Thách thức đầu tiên phát sinh từ chính bản chất kỹ thuật số của TMĐT. Các yếu tố kỹ thuật số này gây ra sự khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc kiểm soát, giám sát cách thức các giao dịch được thực hiện. 

Thứ hai, sự phát triển của TMĐT gắn liền với sự mở rộng của các mô hình kinh doanh đa bên và nhiều phương thức thanh toán. Các mô hình này đặt ra nhiều thách thức đối với cách thức quản lý thuế truyền thống bởi khó xác thực chủ thể kinh doanh và giá trị giao dịch.

Thứ ba, các vấn đề về quản lý thuế trên càng phức tạp hơn khi được thanh toán bằng đồng tiền ảo hay thông qua ngân hàng ảo. Các công ty viễn thông ngày càng trở nên quan trọng bởi hình thức này phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng viễn thông của họ.

Thứ tư, trên phạm vi quốc tế, sự phát triển của các mô hình kinh doanh kỹ thuật số nói chung và TMĐT nói riêng đã dẫn đến việc các chủ thể không cư trú có thể hoạt động trên thị trường của một quốc gia. Việc xác định quốc gia nào được quyền đánh thuế cũng còn nhiều tranh luận bởi về cơ bản, nó khác với các quy tắc thuế quốc tế được thiết kế. 

Thách thức trong quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam hiện nay

Từ phân tích thực trạng và lược khảo các nghiên cứu có liên quan tại Việt Nam, các thách thức từ công tác quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam có thể được khái quát như sau:

Thứ nhất, chưa có một văn bản pháp luật riêng quy định rõ các nghĩa vụ thuế đối với TMĐT. Việc chưa có quy định cụ thể đối với TMĐT như một ngành nghề tạo ra nhiều khó khăn trong việc quản lý thuế các loại hình này. 

Thứ hai, đối với mô hình TMĐT, các giao dịch được thực hiện trực tuyến nên các công ty và cá nhân kinh doanh không cần có sự hiện diện hữu hình như trụ sở công ty, cửa hàng như kinh doanh truyền thống. 

Thứ ba, trên phạm vi quốc tế, việc xác định nghĩa vụ thuế trong một số trường hợp kinh doanh TMĐT xuyên quốc gia là rất khó khăn và phức tạp bởi sự không hiện diện một cách hữu hình của các chủ thể kinh doanh. 

Cuối cùng, vấn đề xác định việc thực hiện giao dịch thông qua các mô hình kinh doanh TMĐT ở Việt Nam càng khó khăn và phức tạp hơn khi phương thức thanh toán phổ biến ở nước ta vẫn là tiền mặt.

Tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến cho các đơn hàng TMĐT tại Việt Nam (Nguồn ảnh: Vietnamnet)

Bài học kinh nghiệm về quản lý thuế đối với TMĐT tại một số quốc gia 

Với sự phát triển mạnh mẽ, TMĐT là trọng tâm chính của các cuộc tranh luận về thuế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đúc kết từ thực tiễn quản lý thuế tại một số quốc gia, bài học kinh nghiệm về quản lý thuế đối với đối tượng này có thể được tóm tắt như sau:

Về soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật về thuế: Tháng 3/2019, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã ban hành tài liệu “Vai trò của người tạo lập nền tảng kỹ thuật số trong việc thu thuế GTGT/thuế doanh thu đối với hoạt động kinh doanh qua mạng.” Theo đó, OECD khuyến nghị các nước yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm đầy đủ và duy nhất trong việc xác định số thuế phải nộp của các đơn hàng, thu hộ và nộp cho cơ quan thuế. Điều này đã được áp dụng thành công ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Đức, Úc đã triển khai và thu thuế qua các sàn TMĐT. Theo luật thuế của Mỹ, các nền tảng số như Google, Facebook… có trách nhiệm thu thập thông tin thuế của các đối tượng hoạt động trên nền tảng bất kể cá nhân hay tổ chức để thực hiện khấu trừ và báo cáo cho cơ quan thuế của Mỹ. Nếu như các cá nhân, tổ chức không thực hiện kê khai đúng nghĩa vụ sẽ bị khấu trừ trên tổng thu nhập trên toàn thế giới như với mức 24% mà Google áp dụng. Đây được xem là phương pháp khá hiệu quả trong việc thu thuế của các cá nhân có thu nhập từ các hoạt động trên các nền tảng TMĐT nước ngoài.

Về đăng ký thuế: Cơ quan thuế ở các quốc gia OECD giải quyết hầu hết các đăng ký thuế của doanh nghiệp và cả cá nhân. Về các phương thức người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, hầu hết các quốc gia OECD đều cung cấp nhiều hơn một kênh để người nộp thuế sử dụng. Báo cáo của OECD cho thấy 80% các cá nhân đăng ký trực tuyến hoặc thông qua ứng dụng dành cho thiết bị di động. 

Về xác thực chủ thể giao dịch và giao dịch phát sinh: Việc xác thực dữ liệu người nộp thuế ở các quốc gia OECD qua môi trường kỹ thuật số tương đối hiệu quả với nhiều phương thức đa dạng. Phần lớn các quốc gia OECD đều ban hành các quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo người đang giao dịch thực sự là người nộp thuế. Để xác định vị trí của khách hàng, một số quốc gia quy định người bán phải thu thập thông tin về địa chỉ thanh toán, địa chỉ IP của thiết bị được sử dụng, chi tiết ngân hàng hoặc mã quốc gia theo số điện thoại. Cuối cùng, khi đã đăng ký, doanh nghiệp sẽ phải nộp tờ khai thuế. Ở các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Mexico, các nhà cung cấp phải báo cáo hàng tháng về thuế VAT thu được. Một số quốc gia OECD hiện đang mở rộng hình thức xác thực nhiều bước, sử dụng thông tin sinh trắc học của người nộp thuế để nhận dạng, xác thực và bảo đảm tính bảo mật. 

Về khai thuế và nộp thuế: Các quốc gia OECD cung cấp phương thức nộp tờ khai và nộp thuế điện tử ở các cấp độ cao hướng đến sự thuận tiện và bảo mật cho người nộp thuế cũng như giảm chi phí cho cơ quan hành chính. Hai điểm tiến bộ đáng chú ý ghi nhận nỗ lực của chính quyền các quốc gia OECD trong quản lý thuế nói chung và quản lý thuế đối với nền kinh tế số nói riêng là: (1) Trao đổi dữ liệu tự động; (2) cơ chế “ điền trước” cho người nộp thuế cá nhân và doanh nghiệp. Về thanh toán nghĩa vụ thuế, các quốc gia của OECD cũng đưa nhiều phương thức thanh toán thuế đa dạng. Ở Canada, công dân có nhiều lựa chọn khác nhau về cách thức nộp thuế (ngân hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến bằng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, thiết lập ghi nợ ủy quyền trước, thanh toán tại các tổ chức tài chính hoặc gửi séc qua thư). Trong đó, điều thú vị là thanh toán thuế cũng được thực hiện bằng cách sử dụng mã phản hồi nhanh được cá nhân hóa (QR). 

Về kiểm tra, thanh tra thuế và trao đổi thông tin người nộp thuế xuyên biên giới: Shi & cộng sự (2019), Li (2017) và Yu (2018) đều chỉ ra sự cần thiết của cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế với các cơ quan chính phủ có liên quan, nhất là với cơ quan hải quan trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với TMĐT xuyên biên giới tại Trung Quốc. Trong khi đó, báo cáo của OECD (2019) ghi nhận, mặc dù các hình thức kiểm tra thuế thực tế vẫn là hoạt động kiểm tra chính ở các quốc gia OECD, các mô hình đánh giá rủi ro hiện đại và chất lượng nguồn dữ liệu tốt đang cung cấp cho các cơ quan thuế những cách thức hiệu quả hơn trong việc thực hiện một số nghiệp vụ chuyên ngành. Theo đó, nguồn dữ liệu bên ngoài (trao đổi thông tin quốc tế) đóng vai trò quan trọng. 

Kiến nghị giải pháp quản lý thuế đối với TMĐT 

Từ cơ sở lý thuyết và phân tích thực trạng, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp về quản lý thuế đối với TMĐT như sau:

(1) Áp dụng kỹ thuật số vào công tác quản lý thuế và nâng cấp cở sở hạ tầng công nghệ thông tin đủ khả năng giám sát, kiểm soát và quản lý thuế hiệu quả đối với các mô hình kinh doanh TMĐT.

(2) Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về chính sách thuế, quản lý thuế một cách cụ thể và toàn diện đối với các mô hình kinh doanh kỹ thuật số. 

(3) Tiếp tục cải cách hành chính theo đơn giản hóa và tận dụng kỹ thuật số như kê khai, nộp thuế trực tuyến, cổng thông tin trực tuyến để các tổ chức, cá nhân (bao gồm các doanh nghiệp nước ngoài) thuận tiện trong việc tuân thủ thuế. 

(4) Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyên trách vừa có chuyên môn về thuế vừa có chuyên môn về công nghệ thông tin, tiến đến thành lập các bộ phận chuyên trách quản lý các loại hình này.

(5) Đẩy mạnh đàm phán với các quốc gia trong khu vực và quốc tế nhằm đề ra các quy tắc chung về quản lý thuế, xác định quyền đánh thuế đối với các giao dịch, thu nhập phát sinh từ các mô hình kinh doanh kỹ thuật số.

Bài viết kỳ vọng sẽ mang lại một giá trị tham khảo nhất định cho cơ quan quản lý thuế trong việc cải cách chính sách thuế và quản lý thuế đối với TMĐT trong thời gian tới. Xem toàn bộ Bài viết Quản lý thuế đối với thương mại điện tử: Góc nhìn từ lý thuyết và bài học kinh nghiệm quốc tế tại đây. Tác giả: Trần Trung Kiên – Khoa Tài chính công, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH. 

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả cùng đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #64 tiếp theo.

Tin, ảnh: Tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021