[Podcast] Bất Ổn Toàn Cầu Và Chiến Lược Thích Ứng Của Các Doanh Nghiệp Việt Nam

28 Tháng Bảy, 2022

Khả năng thích ứng và phục hồi (resilience) của doanh nghiệp trước những cú sốc toàn cầu như dịch bệnh, kinh tế hay  xung đột chính trị, quân sự đang là chủ đề được nghiên cứu và thảo luận gần đây trong bối cảnh thế giới ngày càng trở nên bất ổn hơn. Bằng khả năng linh hoạt vốn có của khu vực doanh nghiệp cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và quá trình chuyển đổi số đã khiến cho việc hoạch định chiến lược phục hồi và thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam trở thành một chủ đề đáng quan tâm nghiên cứu và có tính xu hướng. Chính phủ cũng hiểu rằng doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, nếu chính sách và những giải pháp hỗ trợ không đến tận tay doanh nghiệp thì khó có thể nghĩ đến khả năng tăng trưởng bền vững và đáp ứng các mục tiêu an sinh xã hội. Ở bài viết này, nhóm tác giả đã đưa ra một số kiến nghị và giải pháp thực thi để nâng cao khả năng thích ứng, đảm bảo giảm thiểu tối đa rủi ro đổ vỡ của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung với góc nhìn từ thiết kế chính sách đến quản trị doanh nghiệp.

“Bất ổn”, “tăng trưởng”, “lạm phát”, “xung đột” là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua và dĩ nhiên những gì do Covid-19 đang gây ra không còn xa lạ vào lúc này. Hơn hai năm qua, hoạt động của doanh nghiệp đã trải qua những thời điểm khó khăn chưa từng có, những doanh nghiệp không phải tuyên bố giải thể hay phá sản thật đáng “khâm phục” cho khả năng thích ứng, tiềm lực tài chính, tích lũy nguồn lực, và tư duy đổi mới. Tuy nhiên, khi mà những bất ổn toàn cầu vẫn đang xảy ra, các cú sốc ngoại sinh như dịch bệnh, xung đột chính trị hoàn toàn có thể tiếp diễn thì càng đòi hỏi năng lực ứng phó cũng như sự thay đổi của các doanh nghiệp, đặc biệt là tại nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam.

Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam

Kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những thành quả tương đối ấn tượng trong thời gian qua với mức tăng trưởng GDP trong quý I/2022 khoảng 5,03% so với cùng kỳ năm 2021 (Hình 1). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn trong vùng an toàn với mức tăng 2,1% trong 4 tháng đầu năm, và trọng số chủ yếu đến từ giá xăng dầu (cao hơn 50% so với cùng kỳ). Hoạt động kinh tế cho thấy sự phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng lần lượt ở mức 9,4% và 12,1% so với cùng kỳ, quay trở lại tốc độ như trước khi đại dịch xảy ra.  

Hình 1. Tốc độ tăng GDP quý I-2022 so với cùng kỳ năm trước tại Việt Nam

Nguồn: Nguyễn Khắc Quốc Bảo & Tô Công Nguyên Bảo (2022), trích xuất dữ liệu từ GSO (2022)

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng nhanh trong những tháng gần đây, tương ứng tháng 3 và tháng 4 năm 2022 lần lượt 17% và 25,2%, dự báo xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ở mức 8%-10% trong năm 2022. Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng nhập khẩu lại không thay đổi nhiều vì sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và chúng ta tiếp tục kỳ vọng những xu hướng tích cực sắp tới bởi lẽ nhu cầu về nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng lên, đồng thời nhu cầu chi tiêu trong nước vẫn đang tiếp tục phục hồi. Kết hợp với hoạt động du lịch và lượng kiều hối cán cân vãng lai được ước tính đạt mức 1,5% GDP trong năm 2022 và đạt khoảng 2% trong năm 2023.

Tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng vọt ở mức 16,4% trong tháng 4/2022 và cân đối trong ngân sách nhà nước thặng dư liên tiếp 4 tháng cho thấy điều kiện nền kinh tế vận hành tốt và chi ngân sách giảm. Cuối cùng, nguồn vốn FDI vẫn tăng trưởng mạnh tuy nhiên mức vốn đăng ký lại có xu hướng giảm trong 3 tháng đầu năm. Một tín hiệu đáng mừng chính là chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý I/2022 đã tăng 12 điểm phần trăm so với cùng kỳ, tương ứng 73 điểm phần trăm, tiếp tục quay trở lại thời điểm trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ tư.

Với những dấu hiệu tích cực đó, mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra lần lượt 6,5% và 6,7% cho năm 2022 và 2023. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận mức dự báo tăng trưởng đạt 5,3% trong năm 2022 và sẽ quay về mức ổn định 6,5% ở những năm sau đó. Con số này đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023, mặc dù tổ chức này đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 3,6%.

Chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào những con số dự báo nêu trên khi mà ngay từ đầu năm, cụ thể là ngày 11/1/2022, gói giải pháp tài khóa và tiền tệ khoảng 15 tỷ USD để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) giai đoạn 2022-2023 đã được Quốc hội phê chuẩn. Chương trình bao gồm các giải pháp tài khóa như miễn, giảm thuế, y tế, xây dựng và phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh,…

Bên cạnh đó, các giải pháp tiền tệ hướng đến mục tiêu cung cấp tính thanh khoản cho thị trường bằng cách giảm lãi suất cho vay từ 0,5%-1% tại các tổ chức tín dụng, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 là 14%. Nói về chương trình ERDP, các gói kích thích kinh tế từ chương trình này hướng đến việc tăng đầu tư công và kích cầu nội địa, vạch ra cách thức phối giữa trung ương lẫn địa phương. Cùng với đó, thị trường lao động dần phục hồi tiếp tục củng cố cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Mặc dù vậy, đà tăng trưởng thời kỳ hậu Covid-19 đã phải gặp ngã rẽ khi bất ổn địa chính trị giữa Nga và Ukraine ngày một leo thang. Các lệnh trừng phạt về kinh tế đối với Nga đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Đây là nguyên nhân khiến cho giá cả nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, vận tải tăng cao, trực tiếp ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm trên thị trường, gây ra lạm phát (do chi phí đẩy) như hình 2 thể hiện.

Hình 2. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên vật liệu đầu vào quý I từ năm 2018 đến năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của Việt Nam

Nguồn: Nguyễn Khắc Quốc Bảo & Tô Công Nguyên Bảo (2022), trích xuất dữ liệu từ GSO (2022)

Trong giai đoạn này, giá xăng dầu đã tăng cao đạt ngưỡng kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Theo dữ liệu của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình trên cả nước Mỹ đã đạt mức kỷ lục mới vào ngày 10/5 là 4,37 USD/gallon, vượt qua kỷ lục được xác lập hôm 11/3 là 4,33 USD/gallon trong bối cảnh các nhà máy lọc dầu toàn cầu phải vật lộn với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến giá cả tăng vọt. Tại Việt Nam, giá xăng sau phiên điều chỉnh ngày 11/05/2022 đã đạt ngưỡng gần 30.000 đồng/lít. Trước tình trạng này, chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt một phần giá cả xăng dầu trong nước. Cùng với đó, các động thái siết van tín dụng và tăng dần lãi suất cũng được thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang dần được xem như một loại bệnh đặc hữu để tránh tình trạng nền kinh tế tăng trưởng quá đà dẫn đến mất kiểm soát, khi mà dấu hiệu của lạm phát đang dần hiện hữu. Khi nền kinh tế toàn cầu dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh, tăng cường thắt chặt tài khóa, các ngân hàng trung ương đưa ra chính sách giảm mua tài sản, giảm lượng tiền tung vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng, bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn tập trung thay đổi hướng đi vào các yếu tố giúp tăng trưởng để chuẩn bị cho việc đại dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng.

Những thách thức và gợi ý chiến lược thích ứng

*Ở góc độ chính sách

Mặc dù kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực, tuy nhiên viễn cảnh vẫn tiềm ẩn những rủi ro và thách thức. Đầu tiên liên quan đến số ca nhiễm Covid-19 tăng cao có thể gây cản trở cho quá trình khôi phục nền kinh tế trong năm 2022. Bên cạnh đó, các bất ổn khiến nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại, các cuộc xung đột quân sự như trường hợp Nga và Ukraine khiến giá dầu thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí nguồn nguyên vật liệu đầu vào, từ đó gây áp lực lên lạm phát và các chính sách điều hành vĩ mô. Lạm phát tại Việt Nam được dự báo tăng lên mức 3,8% trong năm nay và vừa đúng mức mục tiêu là 4% trong năm 2023, nghĩa là dư địa trong mức chịu đựng đã đạt tới ngưỡng giới hạn. Cùng với đó, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc phần nào khiến quốc gia này giảm nhịp tăng trưởng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các vấn đề liên quan đến nợ xấu cũng là một rủi ro cần phải xét đến, đặc biệt là trong trung hạn khi mà tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn của Việt Nam là khoảng 8,2%. Cuối cùng, chương trình ERDP có thật sự hiệu quả và hỗ trợ đúng đối tượng hay không còn phụ thuộc vào cách mà chính sách được triển khai nhanh hay chậm, các thủ tục và quy trình phải tối giản và cần sự đồng bộ của trung ương lẫn địa phương. Như vậy, với tầm nhìn dài hạn, một số gợi ý chính sách để kiến tạo cho các doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:

  • Cần đảm bảo nguyên tắc nhất quán, ổn định và tính truyền thông kịp thời của các giải pháp trong chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
  • Các giải pháp về tài chính, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp cần kịp thời và đúng đối tượng.
  • Các gói hỗ trợ phải triển khai nhanh chóng, trực diện và rút ngắn quy trình.
  • Ban hành các giải pháp cụ thể để hỗ trợ người lao động ở các địa phương quay trở lại tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng cho quá trình phục hồi sản xuất – kinh doanh.
  • Đổi mới cơ chế, chính sách, thiết lập khuôn khổ pháp lý mới vừa khuyến khích vừa buộc các doanh nghiệp phải có tư duy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp số hóa toàn diện.
  • Thực hiện cơ chế thí điểm như hình thức “sandbox” đối với các lĩnh vực mới như FinTech nhằm giúp cơ quan quản lý hiểu và nắm rõ cách thức vận hành và rủi ro có thể gặp phải.
  • Tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, có thể làm chủ và vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học, công nghệ mới vào nền kinh tế và cụ thể hơn là cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật.
  • Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh mới, từ góc độ hoạch định chiến lược đến thực hành trong thực tiễn.
  • Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế để lĩnh hội nguồn ngoại lực và kết hợp với nội lực nhằm hướng đến phát triển kinh tế bền vững dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

*Ở góc độ doanh nghiệp

Việc thiết kế, xây dựng một chiến lược chung cho tất cả các doanh nghiệp có lẽ rất khó bởi vì sự khác biệt trong ngành nghề, mô hình, và tư duy quản trị. Tuy nhiên, để định hình hướng đi phù hợp trong bối cảnh mới thì một số gợi ý sau đây sẽ mang tính khả thi:

  • Kiểm soát tốt dòng tiền và vốn luân chuyển để duy trì tính thanh khoản.
  • Tính gọn quy trình, tối ưu hóa chi phí, cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả.
  • Tận dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ như giãn, hoãn thuế, trợ cấp, hỗ trợ tài chính, cho vay ưu đãi, tái cấu trúc khoản vay.
  •  Áp dụng số hóa và đổi mới sáng tạo trong hoạt động thương mại, sản xuất, kinh doanh, quản lý,…
  • Đa dạng hóa thị trường đầu vào và đầu ra, nâng cao tính chủ động và linh hoạt.
  • Theo dõi tình hình chung của thế giới và dịch bệnh, đồng thời nắm bắt các chính sách của Chính phủ để xây dựng kịch bản thích nghi, ứng phó phù hợp.
  • Tìm kiếm và mở rộng các kênh đầu tư và kênh huy động vốn.
  • Thay đổi các chiến lược trước đây để thích nghi với bối cảnh hậu Covid-19, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ dựa vào xu hướng phát triển theo mỗi thời điểm để lên chiến lược đa dạng. Để thích ứng trước các hoàn cảnh bất lợi, các doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản ứng phó với trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp, ngoài việc tập trung vào các vấn đề vi mô như trước, cần xem xét mở rộng các ảnh hưởng của vĩ mô. Kiểm soát tốt sự gia tăng các chi phí của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Cần những sức bật mạnh mẽ, đồng bộ, có sức lan tỏa giữa chính phủ và doanh nghiệp. Khi đó, chính phủ và doanh nghiệp cần đảm bảo tính chủ động, đưa ra những chiến lược, chính sách kịp thời, có tính đón đầu trước xu hướng. Đồng thời, phải có mối tương tác lẫn nhau, doanh nghiệp phải sẵn sàng và chính phủ cũng cho thấy vai trò kiến tạo, giám sát.

Xem toàn bộ bài nghiên cứu Bất Ổn Toàn Cầu Và Chiến Lược Thích Ứng Của Các Doanh Nghiệp Việt Nam tại kỷ yếu hội thảoĐịnh hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam – Lần 2”. Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS. Tô Công Nguyên Bảo & ThS. Trần Nhật Hoàng, UEH.

Đây là bài viết nằm trong Chuỗi bài lan tỏa nghiên cứu và kiến thức ứng dụng từ UEH với thông điệp “Research Contribution For All – Nghiên Cứu Vì Cộng Đồng”, UEH trân trọng kính mời Quý độc giả đón xem Bản tin kiến thức KINH TẾ SỐ #52 “Phát Triển Ứng Dụng Công Nghệ 4.0 Trong Nông Nghiệp Ở Tỉnh Đồng Nai”.

Tin, ảnh: Nhóm tác giả, Phòng Marketing – Truyền thông UEH

Giọng đọc: Ngọc Quí

 

Tài liệu tham khảo

An, P. (2022). Sức khỏe kinh tế thế giới đang ra sao. Retrieved from VnExpress: https://amp.vnexpress.net/suc-khoe-kinh-te-the-gioi-dang-ra-sao-4464059.html

Bùi Quang Tuấn, Hà Huy Ngọc. (2021). Phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Retrieved from Tạp chí Cộng sản: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/824164/phuc-hoi-kinh-te-sau-tac-dong-cua-dai-dich-covid-19–kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam.aspx

Business Standard. (2021). Centre says Covid vaccine wastage in India at 6.5%, calls for optimal usage. Retrieved from Business Standard: https://www.business-standard.com/article/current-affairs/centre-says-covid-vaccine-wastage-in-india-at-6-5-calls-for-optimal-usage-121031800071_1.html

CafeF. (2022). Bức tranh kinh tế Việt Nam quý 1 và dự báo năm 2022: Tiếp tục phục hồi dù còn nhiều thách thức. Retrieved from CafeF: https://cafef.vn/buc-tranh-kinh-te-viet-nam-quy-1-va-du-bao-nam-2022-tiep-tuc-phuc-hoi-du-con-nhieu-thach-thuc-20220413064513328.chn

EY (2020). Chiến lược doanh nghiệp – góc nhìn từ khủng hoảng – EY. Retrieved from EY:https://www.ey.com/vi_vn/news/2020/eyp-vietnam-insights-into-business-strategy-with-crisis-approach.

Financial Stability Board (FSB). (2017). Financial Stability Implications from FinTech. Basel: Financial Stability Board.

IMF. (2022). World Economic Outlook Update, January 2022: Rising Caseloads, A Disrupted Recovery, and Higher Inflation. Retrieved from International Monetary Fund: https://www.imf.org/en/Publications/WEO/Issues/2022/01/25/world-economic-outlook-update-january-2022

IMF. (2022). World Economic Outlook, April 2022: War Sets Back The Global Recovery . IMF.

OECD. (2021). Unemployment Rates, OECD – Updated: March 2021. Retrieved from OECD: https://www.oecd.org/newsroom/unemployment-rates-oecd-update-march-2021.htm

PWC. (2). Đánh giá tác động của đại dịch COVID-19: Phân tích các tác động tiềm ẩn của COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam. Retrieved from PWC: https://www.pwc.com/vn/vn/publications/vietnam-publications/economy-covid19.html

Republic World. (2022). IMF Warns Russia-Ukraine War Will Slow Economic Growth, Increase Inflation. Retrieved from Republic World.Com: https://www.republicworld.com/world-news/russia-ukraine-crisis/imf-warns-russia-ukraine-war-will-slow-economic-growth-increase-inflation-articleshow.html

Tâm, T. T. (2022). Chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng gì đến thị trường thế giới? Retrieved from Saigon Times Online : https://thesaigontimes.vn/chien-tranh-giua-nga-va-ukraine-se-anh-huong-gi-den-thi-truong-the-gioi/

Tạp Chí Tài Chính. (2021). Chính sách tài chính ứng phó với đại dịch Covid-19 của một số quốc gia. Retrieved from Tạp Chí Tài Chính: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/chinh-sach-tai-chinh-ung-pho-voi-dai-dich-covid19-cua-mot-so-quoc-gia-336879.html

Tổng cục Thống Kê. (2022). Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới Quý I và cả năm 2022 . Retrieved from Tổng cục Thống Kê: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/03/tong-quan-du-bao-tinh-hinh-kinh-te-the-gioi-quy-i-va-ca-nam-2022/

Trading Economics. (2022). United States GDP Growth Rate. Retrieved from Trading Economics: https://tradingeconomics.com/united-states/gdp-growth

United Nations. (2022). World Economic Situation and Prospects: February 2022 Briefing, No. 157. Retrieved from Un United Nations: https://www.un.org/development/desa/dpad/publication/world-economic-situation-and-prospects-february-2022-briefing-no-157/

VBMA. (2022). Tổng quan kinh tế vĩ mô. VBMA.

VnEconomy Emagazine. (2022). Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2021. Retrieved from VnEconomy Emagazine: https://vneconomy.vn/toan-canh-kinh-te-the-gioi-nam-2021.htm

World Bank. (2021). The Global Economy: on Track for Strong but Uneven Growth as COVID-19 Still Weighs. Retrieved from The World Bank: https://www.worldbank.org/en/news/feature/2021/06/08/the-global-economy-on-track-for-strong-but-uneven-growth-as-covid-19-still-weighs

World Bank. (2022). Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam. The World Bank.

 

 

Chu kỳ giảm giá của đồng USD?

TS. Đinh Thị Thu Hồng và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Việt Nam cần kịch bản cho thương mại tương lai

ThS. Tô Công Nguyên Bảo

26 Tháng Sáu, 2021

Hệ thống tiền tệ tiếp theo như thế nào?

TS. Lê Đạt Chí và nhóm nghiên cứu

26 Tháng Sáu, 2021

Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam

Khoa Quản lý nhà nước

26 Tháng Sáu, 2021

Cần đưa giao dịch công nghệ lên sàn chứng khoán

Bộ Khoa học và Công nghệ

5 Tháng Sáu, 2021

Thiết kế đô thị: tầm nhìn vững chắc cho đô thị bền vững

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

Phục hồi du lịch và nỗ lực thoát khỏi vòng xoáy ảnh hưởng bởi Covid-19

Viện Đô thị thông minh và Quản lý

5 Tháng Sáu, 2021

2021 sẽ là năm khởi đầu của chu kỳ tăng trưởng mới

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

5 Tháng Sáu, 2021

Quỹ vaccine sẽ khả thi khi có người dân đóng góp

Phạm Khánh Nam, Việt Dũng

5 Tháng Sáu, 2021

Kích thích kinh tế, gia tăng vận tốc dòng tiền

Quách Doanh Nghiệp

5 Tháng Sáu, 2021

Đi tìm chiến lược hậu Covid-19 cho doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam

PGS TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, ThS Lê Văn

5 Tháng Sáu, 2021

Insurtech – Cơ hội và thách thức cho Startup Việt

Ths. Lê Thị Hồng Hoa

5 Tháng Sáu, 2021